Đây là kết quả khảo sát do viện nghiên cứu xã hội kinh tế môi trường vừa thực hiện. Kết quả này cũng chính là vấn đề được quan tâm nhất tại hội thảo Quyền của người tiêu dùng Việt Nam: các vấn đề và giải pháp, tổ chức nhân ngày Quyền của người tiêu dùng 15/3.
Báo cáo tại hội thảo cho biết trong số 1200 người được khảo sát có tới gần một nửa mua hàng kém chất lượng, số lượng so với quảng cáo, 40% người mua phải hàng không rõ nguồn gốc, thậm chí là mua phải hàng ôi thiu hết hạn, hàng giả hàng nhái. Trên một phần tư số người tham gia khảo sát cho rằng mình bị đối xử không tốt hoặc rất không tốt. Tuy nhiên, chỉ có từ 2-3% người tiêu dùng thực hiện quyền khiếu nại, hoặc khởi kiện khi quyền của mình bị vi phạm.
Bà Phạm Quế Anh- Giám đốc Tổ chức Tín thác và đoàn kết vì người tiêu dùng cho biết:"Không phải ai cũng biết rằng mình cũng có những quyền như thế nào. Mình có quyền được thông tin này: thông tin về giá cả chất lượng dịch vụ sản phẩm. Mình có quyền được khởi kiện này, và khởi kiện ở đâu thì người tiêu dùng hoàn toàn không hay biết. Tất cả 8 quyền của người tiêu dùng đã được tổ chức liên hợp quốc quy định lâu rồi nhưng không phải ai trong chúng ta cũng biết".
Hàng năm, hiệp hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam hỗ trợ giải quyết khiếu nại thành công trên 80% các trường hợp khiếu nại. Tuy nhiên, mỗi năm hiệp hội chỉ nhận trên dưới 1000 đơn khiếu nại. Người tiêu dùng chưa hiểu biết quyền lợi của mình, trong khi đó các hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng lại hoạt động rất hạn chế.
Theo ông Lê Quang Bình- Chủ tịch nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân cho rằng: "Cái khó khăn lớn nhất hiện nay của các hiệp hội đó là không có kinh phí. Và đó là bước Việt nam tiến tới dần thực hiện quyển bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn. Căn bản nhà nước và cá nhân không làm được vì vậy cần tổ chức phi chính phủ làm".
Bà Phạm Quế Anh, cho biết: Cần phải tăng cường xã hội hóa quyền của người tiêu dùng, cần phải tăng cường hỗ trợ tài chính và người tiêu dùng cần có đóng góp cho tổ chức để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn.
Một kiến nghị tại hội thảo đó là, các khoản đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng không nên nộp vào ngân sách nhà nước một cách chung chung như hiện nay, mà phải được trả lại cho người tiêu dùng một cách thiết thực thông qua các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng do các tổ chức đại diện của họ thực hiện. Việc đẩy mạnh hoạt động bảo vệ quyền của người tiêu dùng không chỉ có ý nghĩa xã hội, mà còn trực tiếp tác động lên tính hiệu quả, đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp và từ đó đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.
Theo ANTV